Những lợi thế sẵn có
Theo khảo sát của các đơn vị môi giới bất động sản, giá đất nền các khu vực phụ cận TPHCM được quy hoạch thành khu đô thị vệ tinh như Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Long An, Bình Dương… đều tăng đáng kể trong nửa đầu năm 2018. Đáng chú ý tại Long An, đất nền một số huyện giáp ranh TPHCM đã tăng khoảng 30% so với cuối năm ngoái, thậm chí có nơi tăng gấp đôi. Giá đất giao dịch trung bình trên dưới 20 triệu đồng/m2. Trong xu hướng phát triển chung của thị trường bất động sản, diễn biến giá này tương đối dễ hiểu, nhất là khi Long An có nhiều lợi thế về vị trí và hạ tầng giao thông.
Ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản độc lập, cho biết sức mua của nhà đầu tư bất động sản Long An trong sáu tháng đầu năm khá lớn, một phần vì mức giá hợp lý chỉ trên dưới 1 tỷ đồng/sản phẩm. Chưa kể quỹ đất tại TPHCM đang dần bị thu hẹp và phân khúc căn hộ gặp khó khiến nhà đầu tư dồn về Long An tìm kiếm cơ hội.
Cao tốc Bến Lức – Long Thành kết nối Long An gần hơn với các đô thị trung tâm vùng TPHCM.
Quy hoạch mới được công bố hồi đầu năm 2018 xác định Long An là một trong 7 tỉnh thuộc vùng đô thị TPHCM, đồng thời tỉnh này cũng nằm trong hành lang kinh tế trọng điểm phía Tây Nam dọc Quốc lộ 1 bao gồm chuỗi đô thị Bến Lức, Tân An (Long An) Mỹ Tho, Cai Lậy (Tiền Giang).
Long An được đánh giá đóng vai trò là cửa ngõ của vùng TP HCM với đồng bằng sông Cửu Long, có điều kiện phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản, công nghiệp phụ trợ, cảng, đặc biệt có thể khai thác du lịch sinh thái. Theo quốc lộ 1 và cao tốc Hồ Chí Minh – Trung Lương, Long An chính là điểm kết nối giữa 18 triệu dân TPHCM với 17,3 triệu dân Đồng bằng Sông Cửu Long (số liệu năm 2015). Với tổng số khoảng 35 triệu dân, hai vùng này chiếm tới 64% GDP cả nước. Với tiềm năng dân số và thu nhập bình quân đầu người đang tăng cao, Long An có thể đạt tốc độ đô thị hóa khoảng 35 - 40% đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Long An còn có cơ sở hạ tầng tốt, kết nối giao thông thuận lợi từ Đồng bằng sông Cửu Long lên TPHCM và ngược lại. Tỉnh có các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, tuyến Metro 3A đang triển khai. Hiện tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành cũng đang được xây dựng, nối thẳng qua sân bay Long Thành (Đồng Nai). Do đó, ở những huyện như Bến Lức, Đức Hòa, việc di chuyển vào trung tâm TPHCM khá dễ dàng với thời gian chỉ khoảng 30 - 50 phút.
Điểm đến của các dự án “khủng”
Là một vùng đất mới với nhiều tiềm năng, Long An luôn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển các dự án quy mô lớn và thân thiện môi trường. Từ năm 2017, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, đã nhận định thị trường bất động sản Long An có nhiều tín hiệu lạc quan trong. Hiện tại, nơi đây đã có rất nhiều dự án lớn, quy mô hàng trăm ha được triển khai và trở thành những điểm nhấn quan trọng của thị trường.
Điển hình, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) vừa công bố sẽ khởi công khu đô thị Waterpoint tại huyện Bến Lức với diện tích lên tới 355 ha trong tháng 6. Ở giai đoạn 1, Nam Long sẽ triển khai 165 ha, bao gồm hàng ngàn căn nhà phố, biệt thự ven sông Vàm Cỏ Đông. Tổng vốn đầu tư giai đoạn này là 6,900 tỷ đồng, dự kiến thực hiện từ năm 2018 đến 2023, tổng doanh thu dự kiến khoảng 10,700 tỷ đồng.
Các khu đô thị hiện đại với quy mô hàng trăm ha như Waterpoint góp phần tăng sức hút cho bất động sản Long An.
Khu đô thị sẽ được tích hợp nhiều tiện ích gồm công viên trung tâm rộng 20 ha, khu vui chơi cộng đồng 2.5 ha, trường học 17 ha, khu thương mại 8 ha. Đặc biệt, dự án sẽ được thiết kế rạch nước điều tiết len lỏi trong khu đô thị, nước được xử lý sạch sẽ tương đương dự án ở nước ngoài và giữ trọn 50m thảm thực vật dài 5 km ven bờ sông Vàm Cỏ Đông.
Bên cạnh khu phức hợp nhiều tiện ích, cảnh quan xanh và quy mô lớn như Waterpoint, nhiều dự án khác cũng đang được các chủ đầu tư triển khai tại Bến Lức. Cụ thể, Trần Anh Group đầu tư dự án Trần Anh Riverside với quy mô 50 ha, kết hợp giữa biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố thương mại. Thanh Yến Residence với quy mô 33.9 ha bao gồm nhà phố, nhà liên kế, biệt thự và khu chung cư cao tầng. Công ty cổ phần nhà Thủ Đức thì đầu tư dự án Long Hội diện tích hơn 54 ha với sản phẩm nhà phố, nhà liên kế, biệt thự.
Tại huyện Đức Hòa, làng sinh thái du lịch Eco Village do Phúc Khang làm chủ đầu tư diện tích 97 ha với hồ sinh thái rộng hơn 15 ha. Tại huyện Tân An, Khu đô thị trung tâm hành chính tỉnh Long An - Green City cũng được Công ty Cổ phần Đồng Tâm Long An xây dựng với quy mô 76.6ha.
Trong khi đó, tại huyện Cần Giuộc, Tập đoàn T&T đầu tư dự án T&T Long Hậu với 20.9 ha bên sông Soài Rạp và sông Nhà Bè. Đặc biệt, tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã gom hơn 2,000 ha làm 36 dự án gồm khu công nghiệp, khu tái định cư, dự án cụm công nghiệp, dự án khu dân cư.
0 nhận xét: